Bất chấp nỗ lực của các bên liên quan suốt thời gian qua, chất cấm giống như bóng ma vẫn luôn ám ảnh ở mọi kỳ Olympic.
Lịch sử chống doping của Olympic
Các loại chất cấm có lịch sử lâu đời chẳng thua gì những kỳ Thế vận hội. Ngay từ khi con người biết đến thi đấu thể thao có thành tích, các VĐV đã nghĩ tới việc sử dụng các loại chất khác nhau để giúp cơ thể khỏe hơn, nhanh hơn, mạnh hơn. Chỉ một chút lợi thế về cơ bắp hay sự tập trung là đủ để giúp một VĐV xoay chuyển tình thế trong một cuộc đua sống còn.
Lịch sử của các loại chất cấm đã đi rất xa. Phiên bản sơ khai nhất của “doping” được Science xác định là những quả sung sấy khô được VĐV người Sparta Charmis sử dụng năm 668 TCN. Tua nhanh thời gian tới những kỳ Olympic hiện đại, các VĐV cũng tận dụng đủ chiêu trò để cải thiện hiệu suất thi đấu tại Thế vận hội.
Thomas Hicks, nhà vô địch Marathon tại Olympic 1904 thường sử dụng strychnine cùng rượu brandy trước khi “lâm trận”. VĐV bơi lội Nhật Bản ở Olympic 1932 được bơm đầy hai lá phổi với khí oxy để cải thiện hiệu suất. Hay tới phiên bản “cao cấp” hơn là steroid đồng hóa – thứ ban đầu được tiêm cho ngựa đua vào năm 1941, đã được đưa vào cơ thể VĐV với mục đích nâng cao thành tích không lâu sau đó.
Mặc dù có nhiều phiên bản sơ khai, nhưng phải tới năm 1963, thuật ngữ doping lần đầu được giới thiệu với thế giới thông qua Hội đồng Ủy ban Châu Âu. Cơ quan này nhận định “Doping là việc sử dụng các chất hoặc chất trung gian sinh lý thường không có trong cơ thể con người, được đưa vào như một phương tiện hỗ trợ bên ngoài nhằm nâng cao thành tích của vận động viên trong khi thi đấu.”
Nói vậy để thấy ủy ban Olympic quốc tế (IOC) phần nào đó…chậm chạp trong quá trình ứng phó với các loại chất được VĐV sử dụng như một cách gia tăng hiệu suất thi đấu. Và IOC chỉ thật sự nghiêm túc trong việc cấm các loại chất trên sau cái chết của VĐV xe đạp người Đan Mạch Knud Enemark Jensen năm 1960. Cố VĐV này được cho là đã sử dụng amphetamine dẫn tới trụy tim trong quá trình thi đấu.
Gần 70 năm sau kỳ Olympic đầu tiên, IOC mới ban hành lệnh cấm doping. Và cũng phải 33 năm sau đó, cơ quan chống doping thế giới (WADA) mới được thành lập. Tới năm 2018, Cơ quan kiểm nghiệm quốc tế (ITA) được ra đời và trở thành đơn vị chịu trách nhiệm xét nghiệm các mẫu thử của VĐV.
Những nỗ lực bất thành
Ai cũng hiểu việc IOC ngăn cấm việc dùng doping một phần để đảm bảo tính công bằng cho các cuộc so tài. Một phần để tránh việc VĐV gặp rủi ro về sức khỏe. Nhưng bất chấp những nỗ lực thời gian qua, IOC vẫn chưa thể tìm ra lời giải cho bài toán doping hay chất kích thích.
Thống kê từ Statista cho thấy riêng tại Olympic năm 2012, có tới 132 VĐV bị xác định dương tính với chất cấm, một kỷ lục mà có lẽ không kỳ Thế vận hội nào muốn phá. Tại Olympic năm nay cũng đã xác định trường hợp sử dụng chất cấm đầu tiên. Đó là võ sĩ judo hạng 81kg Sajjad Sehen của đoàn Iraq cùng Cynthia Ogunsemilore của đoàn boxing Nigeria.
Không chỉ ở Olympic mà gần như ở mọi giải đấu thể thao quy mô quốc tế, các VĐV đều sẵn sàng đưa đủ thứ chất vào cơ thể để cải thiện màn trình diễn. Gần nhất và nổi tiếng nhất phải kể tới trường hợp của Paul Pogba, người đang nhận án treo giò 4 năm vì dùng doping. Ở cấp độ đội tuyển/đoàn thể thao, đội tuyển Nga là trường hợp nổi tiếng và gần nhất chịu án phạt vì vi phạm quy định về doping.
Nói vậy để thấy, cuộc chiến chống doping của IOC cùng các bên liên quan chưa mang lại hiệu quả thật sự. Phải chăng, việc sử dụng chất cấm của các VĐV cũng được thực hiện theo đúng…tinh thần Olympic: tinh vi hơn và khó kiểm soát hơn?
Đi tìm nguyên do
Có nhiều lí do dẫn tới việc VĐV sẵn sàng sử dụng chất cấm trong quá trình thi đấu. Nhưng lí do lớn nhất chắc chắn là tiền. Theo ước tính của Forbes, mỗi tấm HCV của đoàn thể thao Mỹ tại Olympic Paris sẽ mang về cho VĐV khoản thưởng trị giá 37,5 nghìn USD. Cá biệt, nếu VĐV Italia giành vàng, phần thưởng sẽ lên tới 193 nghìn USD.
Trong suốt lịch sử, có tổng cộng 148 bộ huy chương bị tước vì VĐV sử dụng chất cấm. Nhưng có không ít VĐV từ chối trả lại huy chương cho IOC (với lí do thất thoát, hoặc đơn giản là từ chối trả!). Quy trình thụ lý, xử phạt VĐV sai phạm cũng tốn không ít thời gian.
Con số có thể lên tới 10 năm, như trường hợp của VĐV người Nga Tatyana Lebedeva. Phải tới năm 2018, IOC mới hủy giá trị hai tấm HCB mà VĐV điền kinh này giành được ở Olympic 2008. Hay như đô cử Trần Lê Quốc Toàn của Việt Nam, người xếp hạng 4 ở Olympic 2012 đã được đôn lên nhận HCĐ vào năm 2018 sau khi IOC hủy kết quả của Valentin Hristov (Azerbaijan).
Thế nhưng, phải tới 3 năm sau, tấm huy chương ấy mới về với đô cử quê Đà Nẵng. Cay đắng hơn, việc giành huy chương “muộn” gián tiếp ảnh hưởng tới sự nghiệp đầy tiềm năng của Quốc Toàn, khiến VĐV này chịu nhiều thiệt thòi sau đó.
Kể cả khi cơ hội vô địch là không cao, VĐV nào cũng muốn có thành tích tốt nhất ở các kỳ Thế vận hội. Bởi đi kèm với đó là không ít lợi ích về kinh tế cũng như hình ảnh. Được dự Olympic đã là tự hào, nhưng một màn trình diễn trên kỳ vọng ở giải đấu như vậy còn ý nghĩa hơn rất nhiều. Không chỉ riêng Olympic mà ở mọi sân chơi lớn, VĐV đều muốn màn trình diễn ở chất lượng cao nhất có thể!
Thậm chí, nếu may mắn phù hộ, VĐV cũng có thể “thoát” việc kiểm tra doping ngẫu nhiên. Tại Olympic Tokyo, trong số 11319 VĐV tham dự, ITA thu về 6200 mẫu thử từ 5000 điểm xét nghiệm. Điều đó có nghĩa là xác suất bị phát hiện sử dụng doping chỉ khoảng xấp xỉ 50%. Nói vậy để thấy doping giống như một thứ “chất kích thích” đủ hấp dẫn mọi VĐV “làm liều” với hy vọng lập kỳ tích.
Ngoài ra, VĐV có thể lợi dụng kẽ hở của quy trình kiểm tra doping từ các cơ quan liên quan để “lách luật”, nhất là với những VĐV chủ nhà. Còn nhớ, tại Olympic mùa đông 2014 ở Sochi, không ít VĐV được cho là đánh tráo mẫu thử nước tiểu của mình để “tẩy trắng” sau khi dùng chất cấm. Bê bối năm đó được ARD của Đức và The New York Times của Mỹ phanh phui ở các năm 2015 và 2016, dẫn tới án phạt cho Ủy ban Olympic Nga năm 2019.
Quan trọng nhất, doping đánh đúng vào bản chất của con người. Hay chính xác hơn là bản tính…ưa mạo hiểm, khát khao ganh đua của từng người khi chơi thể thao. Ai cũng muốn thành tích của mình tốt, muốn hơn đối thủ và doping có thể coi là một lối tắt giúp VĐV đạt thành tích cao trong thời gian ngắn.
Thậm chí, nếu sử dụng doping trót lọt, bên cạnh những hào quang, thành tích, tiền thưởng giả tạo, VĐV cũng sẽ sinh ra tâm lý hưng phấn và rất dễ rơi vào vòng lặp của việc sử dụng chất cấm không kiểm soát.
Về mặt bản chất, doping không phải thứ huyết thanh siêu chiến binh trong các bộ phim siêu anh hùng. Đó chỉ là những chất mang lại hiệu quả trong ngắn hạn và là một canh bạc tất tay với các VĐV. Sử dụng doping, cũng là chấp nhận tắt đi cơ chế phòng vệ mang tính bản năng của con người.
Như trường hợp của Jensen ở trên, do lạm dụng thuốc, ông đã đẩy cơ thể tới mức giới hạn và nhận về cái chết đầy bi kịch. Thể thao để khuyến khích con người tập luyện, nâng cao sức khỏe chứ không phải để đẩy VĐV tập luyện thi đấu tới mức tổn hại sức khỏe!
Quan trọng nhất, vinh quang thật sự của một tấm huy chương phải tới từ những giọt mồ hôi đổ trên sân trong quá trình luyện tập. Nếu VĐV mang về thành tích nhờ hóa chất đưa vào cơ thể, đeo trên cổ tấm huy chương sau những phút nơm nớp lo sợ về việc bị kiểm tra, bị phạt thì liệu chừng ấy thành tích có đáng hay không?
Mỗi VĐV sẽ có câu trả lời của riêng mình. Còn với Olympic, giải đấu này trở thành sân chơi danh giá bậc nhất của thể thao thế giới nhờ tôn vinh sự cao đẹp và tinh thần thượng võ của luyện tập và thi đấu thể thao. Sử dụng doping làm mất đi tính công bằng của trò chơi và đây cũng chính là lí do lớn nhất khiến Olympic đã và sẽ nói không với các loại chất cấm, dẫu biết rằng cuộc chiến giữa hai bên hẵng còn dài!